Cấm lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc theo Nghị định 52/2020/NĐ-CP

Cấm lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc theo Nghị định 52/2020/NĐ-CP

Từ ngày 15/6/2020, hàng loạt hành vi trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf sẽ bị nghiêm cấm khi Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf có hiệu lực thi hành.

Cấm lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc theo Nghị định 52/2020/NĐ-CP

Theo đó, Nghị định 52/2020/NĐ-CP quy định 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf như: Xây dựng và kinh doanh sân golf khi chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan; Lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép; Cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Nghị định 52/2020/NĐ-CP cũng quy định điều kiện sử dụng đất để thực hiện Dự án sân golf. Theo đó, các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf gồm: Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; Đất rừng, đất trồng lúa; Đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích thuộc danh mục kiểm kê của UBND cấp tỉnh; Đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao; Đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Đê điều, Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo.

Đáng chú ý, ở Nghị định sắp có hiệu lực thi hành, Chính phủ giới hạn các dự án sân golf ở vùng trung du, miền núi được sử dụng tối đa không quá 5ha đất trồng lúa một vụ, phân tán tại địa điểm xây dựng và phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, điều kiện thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Dự án sân golf sử dụng đất rừng sản xuất không phải là rừng tự nhiên phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp.

Việc sử dụng đất tại vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích để xây dựng sân golf không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật di sản văn hóa.

Nghị định 52/2020/NĐ-CP quy định nhà đầu tư chỉ được triển khai thực hiện Dự án sân golf sau khi có quyết định chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với Dự án thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư); Hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án sân golf, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Điều kiện, thủ tục điều chỉnh, chấm dứt hoạt động của Dự án sân golf thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật có liên quan và Nghị định này.

Chính phủ quy định, UBND cấp tỉnh, cơ quan đăng ký đầu tư, các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện chế độ giám sát, đánh giá việc thực hiện Dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan. Việc kiểm tra, thanh tra Dự án sân golf thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Nguồn: baophapluat.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button